E-Office   |    Email   |    Digital resources   |    Contact   

  UEB NEWS
Loading...
Bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (đứng đầu từ trái sang) cùng các đại biểu tham dự Hội thảo diện kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(UEB) Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và hiệu quả, chiều ngày 16/12/2016, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” chính thức bế mạc. Tiểu ban Kinh tế và Sinh kế do Trường ĐHKT – ĐHQGHN chủ trì tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Hội thảo lần này tập trung thảo luận về chính sách ngoại giao và hợp tác trong trật tự thế giới mới, về các xu hướng biến đổi của đạo đức, lối sống; về các nguồn lực văn hóa; nguồn lực xã hội; hội nhập kinh tế và hội nhập khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, bối cảnh toàn cầu còn được đề cập với ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tất cả các lĩnh vực quan tâm của hội thảo.
 

Tiểu ban 5 Kinh tế và Sinh kế do Trường ĐHKT - ĐHQGHN chủ trì đã nhận được 270 báo cáo tóm tắt, với 230 bài nghiên cứu toàn văn gửi tới Tiểu ban, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là kinh tế, kinh doanh và sinh kế. Các bài viết có cách tiếp cận rất đa dạng, từ vĩ mô tới vi mô và tập trung vào các vấn đề như: Tăng trưởng kinh tế với vấn đề năng suất; Bẫy thu nhập trung bình và chất lượng chính sách ngành; Công nghiệp hóa ở Việt Nam trong giai đoạn mới; Tái cơ cấu nền kinh tế và quản trị Nhà nước ở Việt Nam; Đầu tư trực tiếp nước ngoài và vấn đề môi trường; Lao động và thị trường lao động ở Việt Nam; Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam; Phát triển kinh tế ngành, địa phương và doanh nghiệp ở Việt Nam...

 
  PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu khai mạc tại Tiểu ban 5 trong ngày làm việc đầu tiên
 
 Trong ngày làm việc đầu tiên, tại phiên làm việc toàn thể, Tiểu ban 5 tập trung thảo luận các nghiên cứu liên quan đến các vấn đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tập trung vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, các vấn đề liên quan đến tăng trưởng khác như năng suất, chính sách ngành, vấn đề hội nhập, chính sách FDI và tăng trưởng xanh.
 
  GS. Hausmann đến từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ) với báo cáo “Mức độ phức tạp kinh tế của Việt Nam: So sánh tương quan trong nước và giữa các quốc gia”.
 
  GS. Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore) nghiên cứu về: Vấn đề năng suất trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam".
 
 Đáng chú ý trong ngày làm việc đầu tiên có một số báo cáo của các nhà khoa học nổi tiếng như: GS. Hausmann đến từ Đại học Harvard (Hoa Kỳ) với tiêu đề “Mức độ phức tạp kinh tế của Việt Nam: So sánh tương quan trong nước và giữa các quốc gia”. Báo cáo đánh giá mức đa dạng kinh tế của Việt Nam với thế giới cả trên các mặt động và tĩnh, bằng cách so sánh cấu trúc của những sản phẩm mà Việt Nam đã có lợi thế so sánh trong thời gian dài. Bài trình bày của GS. Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore), với tiêu đề “Vấn đề năng suất trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam” tập trung vào phân tích năng suất là nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng chậm lại. GS. Ohno - Viện Sau đại học Quốc gia về Nghiên cứu chính sách (GRIPS - Nhật Bản) trình bày báo cáo: “Chất lượng của chính sách công nghiệp ngành và Bẫy thu nhập trung bình: So sánh Việt Nam với các quốc gia khác”. Bài viết đánh giá chất lượng các chính sách ngành của Việt Nam trong tương quan so sánh với một số quốc gia khác...

Buổi chiều ngày 15/12/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp các đại biểu tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 tại trụ sở Trung ương Đảng.  

Trong ngày làm việc thứ 2, các đại biểu tập trung thảo luận tại các phiên song song với 2 chủ đề: Phát triển kinh tế bền vững và sinh kế (Do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT chủ trì) và Thị trường lao động và doanh nghiệp (do TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT chủ trì).

 

 TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT  (ngồi giữa) chủ trì tại 1 phiên thảo luận của Tiểu ban 5

 
 Các nghiên cứu tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh kế của các nhóm cư dân cụ thể ở Việt Nam (Như nhóm dân tộc thiểu số ở một số xã còn khó khăn, nhóm cư dân tái định cư, nhóm phụ nữ đơn thân, nhóm yếu thế, nhóm cư dân miền núi…); vấn đề sinh kế nhìn từ góc độ lao động, di cư và chuyển dịch việc làm và các mô hình kinh tế cụ thể để đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là nhóm dân cư yếu thế trong xã hội.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có một số nghiên cứu được trình bày tại hội thảo lần này như: Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Thị Minh Phương với bài viết “Đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam: Thực trạng và vấn đề”; PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp trình bày về “Vận dụng mô hình “quản trị nhà nước tốt” ở Việt Nam”; PGS.TS. Trần Anh Tài, TS. Trần Thế Nữ nghiên cứu “Xây dựng và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”, nhóm nghiên cứu TS. Nguyễn Quốc Việt với bài trình bày: “Mua sắm công xanh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.

Nhìn chung, số lượng các bài viết rất phong phú, đa dạng và có chất lượng cao, đề cập những vấn đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội đang được quan tâm hiện nay.

Trên cơ sở phân tích thực trạng kinh tế và sinh kế, các chuyên gia đã gợi ý một số chính sách của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đó là: Cần tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo và quản lý theo hướng hiện đại, trong đó khâu đột phá là cải cách hành chính; kiến tạo những cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận vốn và các nguồn lực khác cho khu vực kinh tế tư nhân, giúp cho thành phần kinh tế này phát triển mạnh. Cần hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp và ngành kinh tế nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ và nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, thay đổi một cách căn bản chiến lược tiếp nhận FDI và tiếp cận với công nghệ thế giới.

Về vấn đề sinh kế, theo các chuyên gia, bên cạnh việc tăng cường hạ tầng cơ sở, phổ biến và cung cấp kiến thức cho người dân, giới thiệu các mô hình sản xuất phù hợp với đặc trưng của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, cần phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp xã hội trong việc tạo ra sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội.

 

Lãnh đạo Trường ĐHKT chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu

 

Hội thảo kết thúc bằng phiên toàn thể vào chiều ngày 16/12. Tiểu ban 5 đã đóng góp một bài trình bày trong phiên toàn thể của GS. Trần Văn Thọ - Đại học Waseda (Nhật Bản) với nghiên cứu “Công nghiệp hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Bài trình bày đánh giá quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam trên cơ sở bàn lại lý luận về vai trò của công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế và phân tích kinh nghiệm của một số nước đi trước cũng như các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam.

Hội thảo lần này đã củng cố và mở rộng thêm mạng lưới các nhà nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới. Trên cơ sở này, ĐHQG Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển các nhóm nghiên cứu, xây dựng một trung tâm cơ sở dữ liệu về Việt Nam học, thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu Việt Nam học và chuẩn bị tốt hơn nữa cho Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 6 sẽ được tổ chức vào năm 2020.

  
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà khoa học tham dự Hội thảo QT Việt Nam học lần 5
______________
TIN LIÊN QUAN:

Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu (Diễn văn khai mạc hội thảo của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn

(Ảnh) Khai mạc Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, năm 2016

Để Việt Nam trở thành Trung tâm nghiên cứu Việt Nam học của thế giới

ĐHQGHN sẵn sàng cho Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

Trường ĐHKT tích cực chuẩn bị cho Tiểu ban Kinh tế và sinh kế Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 5

- Tổ quốc: Tổng Bí thư tiếp Đoàn đại biểu dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học

- Tuổi trẻ: Xử lý tốt quan hệ tay ba "Việt - Mỹ - Trung"

- Khám phá: Các nhà Việt Nam học là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới

- Tia sáng: Cộng đồng Việt Nam học: Cầu nối Việt Nam và thế giới

- Chính phủ: Cộng đồng Việt Nam học: Cầu nối Việt Nam và thế giới

- Văn hiến: Việt Nam có thể không giàu về vật chất nhưng sẽ giàu về văn hóa

- Vietnam Plus: Khuyến nghị nhiều giải pháp để Việt Nam phát triển bền vững

- Dân trí: Hình thành các nhóm nghiên cứu phối hợp quốc tế về Việt Nam

- Tuổi trẻ Thủ đô: Bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

- Đảng CSVN: Bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

- VOV5: Bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

- Vietnamnet: Sắp có trung tâm tư liệu nghiên cứu Việt Nam lớn nhất thế giới

- Kinh tế đô thị: Định vị 20 cơ sở nghiên cứu mạnh về Việt Nam

- Chính phủ: Bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

- Tuổi trẻ: Hội thảo quốc tế VN học: Kênh tư vấn chính sách giá trị

- Kinh tế đô thị: GS Carl Thayer: Philippines đang “mạo hiểm” ở Biển Đông

- Vietq: Các nhà khoa học hội tụ, hiến kế cho hoạch định chính sách quốc gia

 

Anh Thu - Lương Hường

Các tin khác
free stats Viện Quản trị Kinh Doanh
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-24) 37950341 - Website: qtkd.ueb.edu.vn